Hội nghị tuyên truyền vể Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024
Sáng ngày 19/9/2024, UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội nghị tuyên truyền vể Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024. Dự Hội nghị có ông Nguyễn Thiên Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk; ông Nguyễn Hoài Dương – Phó Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; PGS.TS Trần Văn Ơn – Cố vấn OCOP Quốc gia, Giảng viên cao cấp Đại học Dược Hà Nội.
Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Sở: Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Khoa học công nghệ, Công thương, Y tế, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Thông tin Truyền thông, Tài nguyên Môi trường, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chủ thể có sản phẩm OCOP được UBND tỉnh phê duyệt và cấp chứng nhận 4 sao.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018. Với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Sau hơn 6 năm triển khai, chương trình đã tạo sự lan toả mạnh mẽ, rộng khắp tại các địa phương. Tính đến tháng 7/2024, cả nước đã có 14 ngàn sản phẩm OCOP của 7.643 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên.
Riêng tỉnh Đăk Lăk, tính đến ngày 31/8/2024, toàn tỉnh có 240 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao. Trong đó có 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 42 sản phẩm 4 sao, 195 sản phẩm đạt 3 sao. Với 145 chủ thể sản phẩm OCOP, trong đó doanh nghiệp chiếm 35,86%; hợp tác xã chiếm 23,45%; cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh chiếm 40,69%. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế và được thị trường đón nhận tích cực.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe Báo cáo chuyên đề về “Lịch sử phát triển Chương trình OCOP”; “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình OCOP của các địa phương. Bài học kinh nghiệm, giải pháp trọng tâm trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 tại tỉnh Đăk Lăk”.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn đề nghị các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Chương trình OCOP cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã trong việc tuyên truyền phát triển sản phẩm, xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh trên địa bàn đối với sản phẩm OCOP; khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý chương trình OCOP các cấp; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua các kênh truyền thông, báo, đài, trên website của tỉnh; tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP, thực hiện tốt việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP. Đồng chí đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để người dân hiểu và chủ động tham gia chương trình; chỉ đạo Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng tiêu chí OCOP quy định, đảm bảo tính minh bạch; tăng cường kiểm tra chất lượng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng sản phẩm theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn và Phó Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Hoài Dương trao chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao cho các chủ thể
Nhân dịp này UBND tỉnh đã công bố quyết định và trao chứng nhận công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao cho 28 sản phẩm của 10 chủ thể đã đạt được trong năm 2023.
T/h: Trường Vinh